Việc ứng dựng các máy móc thiết bị hiện đại vào sản xuất công nghiệp hiện nay là nhu cầu thiết yếu, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm, cạnh tranh thị trường, giảm chi phí, thời gian và công lao động.
Khâu làm bánh in của cơ sở sản xuất bánh kẹo Cẩm Phát.
Trong mỗi ngành nghề, lĩnh vực sản xuất sẽ có những loại máy móc thiết bị khác nhau phù hợp với đặc thù từng ngành sản xuất. Mỗi loại thiết bị sẽ có những đặc trưng và ưu điểm riêng nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất. Các loại máy móc thiết bị công nghiệp này mang lại lợi ích như thực hiện những công việc nặng nhọc và khó khăn, giúp tăng năng suất, cải tiến kỹ thuật, giúp vận hành dây chuyền sản xuất đồng bộ và nhất quán.
Việc ứng dụng các máy móc thiết bị hiện nay phần lớn phục vụ chế biến thực phẩm. Để giúp các cơ sở sản xuất nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường, hoạt động khuyến công trong thời gian qua đã phối hợp với các địa phương hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp thực hiện các đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất. Nhờ có sự hỗ trợ của các thiết bị công nghiệp giúp tiết kiệm được sức lao động, giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó giúp hạ giá thành sản phẩm, giúp quy trình sản xuất diễn ra thuận lợi và chuyên nghiệp hơn.
Cơ sở sản xuất bánh kẹo Cẩm Phát, Khóm 1, thị trấn Tiểu Cần, huyện Tiểu Cần là một trong những cơ sở chế biến các loại bánh, kẹo từ nguyên liệu địa phương như dừa, đậu phộng,… vừa được Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh hỗ trợ 250 triệu đồng đầu tư dây chuyền sản xuất công nghiệp như máy nấu, trộn, cán, cắt kẹo, băng tải cấp, tách kẹo, xếp kẹo.
Ông Dư Tấn Lợi, chủ cơ sở sản xuất bánh kẹo Cẩm Phát cho biết: ứng dụng máy móc thiết bị vào sản xuất giúp cơ sở đồng bộ hệ thống sản xuất. Dịp tết năm trước, do thiếu thiết bị sản xuất nên sản lượng làm ra không đủ đáp ứng nhu cầu khách hàng. Năm nay được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh và cơ sở đối ứng thêm trang bị dây chuyền sản xuất vận hành đồng bộ nên kế hoạch sản xuất Tết sẽ tăng gấp đôi, ba lần so với năm trước. Số lượng sản phẩm bánh kẹo sản xuất theo đơn khách hàng trung bình 250kg/tuần chủ yếu bánh in, bánh men nước cốt dừa, kẹo đậu phộng. Hiện thiết bị máy móc đã được vận hành ổn định, kế hoạch tết Nguyên đán năm 2024, cơ sở sản xuất 30 tấn kẹo đậu phộng các loại như kẹo mè đen, kẹo mè trắng, kẹo chuối, kẹo mè dẻo,… phục vụ người tiêu dùng, giải quyết việc làm trên 20 lao động.
Cơ sở sản xuất bánh tráng sữa nước cốt dừa của bà Trần Thị Hiền, ấp Chà Và, xã Vinh Kim, huyện Cầu Ngang ngoài được Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh hỗ trợ 190 triệu đồng để đầu tư các thiết bị gồm: máy tráng bánh tráng tròn, lò hơi, máy nướng bánh tráng, máy đánh bột phục vụ sản xuất. Cơ sở còn mạnh dạn đầu tư mới và cải tiến kỹ thuật một số thiết bị máy tráng bánh dài, máy trộn bột, máy cắt bánh tráng, máy ép nước cốt dừa,…
Bà Hiền cho biết: sản xuất theo phương pháp truyền thống không thể đảm bảo và đáp ứng hết nhu cầu và hiệu quả không cao. Trước đây, cơ sở sản xuất trung bình 5.000 – 6.000 cái bánh/ngày. Từ khi đầu tư máy móc thiết bị vào sản xuất, năng suất tăng lên gấp đôi, tiết kiệm thời gian và chi phí sản xuất, chất lượng sản phẩm nâng lên đáng kể. Mặc dù các loại máy móc thiết bị đầu tư mang lại hiệu quả thiết thực nhưng cần đòi hỏi những công đoạn làm bằng tay như phơi bánh, chế biến nguyên liệu,… Tuy nhiên ứng dụng máy móc thiết bị vào sản xuất, công đoạn trộn bột, tráng bánh nhanh hơn, rút ngắn thời gian sản xuất, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm cạnh tranh thị trường.
Theo đồng chí Huỳnh Ngọc Xuân, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh: đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị không chỉ mang lại hiệu quả về mặt kinh tế cho các hộ kinh doanh, cơ sở, mà còn đáp ứng yêu cầu hiệu quả về mặt xã hội, giúp các hộ kinh doanh nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, duy trì và phát triển sản xuất, thúc đẩy quá trình chuyển đổi sản xuất, giữ vững thương hiệu sản phẩm trên thị trường. Đặc biệt trang thiết bị được vận hành, giúp cơ sở, hộ kinh doanh kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm trong quá trình sản xuất, góp phần tạo ra sản phẩm có chất lượng đồng đều, có tính cạnh tranh cao, từng bước củng cố sản phẩm cạnh tranh trên thị trường.
Bên cạnh đó, khuyến khích hộ kinh doanh, cơ sở mạnh dạn cải tiến, ứng dụng thiết bị tiên tiến vào sản xuất, tạo thuận lợi tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, góp phần hiện đại hóa lĩnh vực công nghiệp nông thôn của tỉnh.