Để nâng cao năng suất chất lượng thì doanh nghiệp phải chủ động trong đổi mới, cải tiến từ thiết bị máy móc đến quản trị một cách thường xuyên, liên tục.
Thực tế thời gian qua đã chứng minh tầm quan trọng của việc cải tiến nhà máy đối với hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Quá trình cải tiến đã giúp ngành công nghiệp sản xuất đạt được bước tiến dài từ chỗ chỉ có máy móc thô sơ, năng suất thấp những năm 1980 dần bắt nhịp công nghệ hiện đại của khu vực và thế giới như hiện nay.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp, đặc biệt nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa quan tâm, đầu tư đúng mức cho hoạt động cải tiến nhà máy, đổi mới sáng tạo trong sản xuất kinh doanh. Nguyên nhân được nhiều doanh nghiệp đưa ra là khi đang kinh doanh tốt thì tập trung cho việc tìm kiếm lợi nhuận bởi cơ hội thị trường thường qua rất nhanh. Còn khi kinh doanh chững lại hay gặp khó khăn thì lo tìm cách để duy trì hoạt động, không có kinh phí để cải tiến.
Nói cách khác, doanh nghiệp luôn đặt việc cải tiến nhà máy là thứ yếu trong khi không nhận thức rõ, chính việc cải tiến nhà máy là giải pháp giúp doanh nghiệp đang phát triển sẽ phát triển nhanh hơn, doanh nghiệp đang khó khăn cải thiện được năng suất, giảm chi phí, cải thiện khả năng cạnh tranh.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, hoạt động đổi mới, sáng tạo cùng với việc áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng là một trong những yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước cũng như quốc tế.
Chính phủ Việt Nam đã rất quan tâm đến vấn đề này và phê duyệt nhiều chương trình hỗ trợ cho các doanh nghiệp áp dụng các công cụ và giải pháp cải tiến để nâng cao năng suất, chất lượng… Đó là các chương trình hỗ trợ cải tiến sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng cho các doanh nghiệp và sản phẩm ngành cao su – nhựa, ngành cơ khí – điện và ngành chế biến thực phẩm của thành phố thông qua việc hỗ trợ đổi mới máy móc, thiết bị, công nghệ tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực.
Tuy nhiên, các chương trình hỗ trợ của Nhà nước chỉ là tiền đề ban đầu, chỉ khi doanh nghiệp thực sự nhận thấy cần thiết và chủ động trong đổi mới, cải tiến từ thiết bị máy móc đến quản trị một cách thường xuyên, liên tục thì mới đạt được hiệu quả lâu dài.